Sống thử – có nên hay không?

Dạo này, mình nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện sống thử nên có lẽ nên viết một bài cụ thể để trả lời cho câu hỏi này.

Nếu bạn hỏi mình rằng: có nên sống thử không? Mình sẽ nói rằng: nên nếu như bạn thoả mãn được hết những điều kiện mình sắp nói dưới đây. Còn nếu nhắm thấy thiếu điều kiện nào thì câu trả lời rất to và rõ ràng, đó là: KHÔNG NÊN.

Điều kiện 1: XÁC ĐỊNH 1 MỐI QUAN HỆ CỰC KÌ NGHIÊM TÚC

Tại sao hầu hết người Việt đều không ủng hộ chuyện sống thử? Đơn giản là chúng ta đang hiểu sai về mục đích của chuyện này. Một khi đã “thử” bất cứ thứ gì, mục tiêu chính của chúng ta là biến nó thành thật. Tại sao mua quần áo lại thử? Bạn thường sẽ chỉ thử những món đồ bạn muốn mua, chứ chẳng ai rảnh mà vào shop rồi thử tất cả quần áo bày bán trong đó, đúng không nào? Vậy thì việc sống thử cũng chỉ nên xảy ra khi và chỉ khi hai bạn đã đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, hoặc chí ít là có một kế hoạch cực kì chắc chắn về hôn nhân.

Cái sai lầm lớn nhất của hầu hết các đôi sống thử đó là họ dọn về với nhau trong giai đoạn tình cảm đang mặn nồng nhất, lung linh nhất, mà giai đoạn này thông thường rơi vào năm đầu tiên hẹn hò. Đây là thời điểm mọi thứ toàn là màu hồng, tình cảm nồng cháy khiến cho cả hai bên ngộ nhận rằng chúng ta đang rất yêu nhau, rất muốn lấy nhau, rất muốn “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Vậy là họ quyết định về sống với nhau để thử cảm giác gia đình. Nhưng họ không hề biết rằng tất cả những cảm xúc họ đang trải qua chưa chắc đã là tình yêu đích thực, mà chủ yếu là sự ĐAM MÊ (passion) và sự KHAO KHÁT (desire). Chính vì lựa chọn sai thời điểm nên họ không vượt qua được những mâu thuẫn sinh hoạt khi bắt đầu sống chung. Kết cục là vỡ mộng và thất vọng tột độ về nhau.

Vậy thì thời điểm nào là thích hợp để sống chung? Như đã nói ở trên, đó là khi các bạn đã xác định sẽ kết hôn. Thế nhưng vấn đề là rất nhiều bạn vì chìm đắm trong đam mê nên ngộ nhận luôn là mình muốn lấy người đó, và sẽ dễ dàng “xác định kết hôn” một cách thiếu lí trí.
Nếu thế thì mình sẽ chỉ cho các bạn một cách xác định cụ thể hơn: hãy chỉ sống chung khi các bạn đã trải qua một khoảng thời gian tìm hiểu đủ dài, trong khoảng tgian đó, các bạn đã từng đối mặt với nhiều cuộc mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí đã từng làm tổn thương nhau. Tuy nhiên, sau tất cả, các bạn vẫn yêu nhau và mong muốn gắn bó với nhau. Lúc này, cuộc sống thử sẽ như một bài kiểm tra cuối cùng (final test) mà các bạn làm trước khi cùng nhau bước sang một trang mới của mối quan hệ mang tên hôn nhân. Các bạn tuyệt đối không nên dùng việc sống thử làm bài test đầu hoặc bài test định kì.
Hãy tưởng tượng quá trình hẹn hò giống như 4 năm đại học. Sống thử phải là luận án tốt nghiệp, chứ không bao giờ được phép là bài kiểm tra hết môn. Nếu làm luận án khi mới học xong năm 2, bạn chưa đủ kiến thức, ắt bạn sẽ trượt. Nếu sống thử khi chưa đủ chắc chắn, chín chắn và kĩ năng xử lí xung đột cũng như lòng bao dung, ắt bạn sẽ nhận được kết cục đắng ngắt!

Điều kiện 2: KHÔNG SỐNG THỬ VÌ NHU CẦU TÌNH DỤC

Điều kiện này thực ra là một phần của của điều kiện 1. Các bạn không nên sống thử khi cả hai đang ở giai đoạn hưng phấn nhất, cháy bỏng nhất, đam mê nhất về mặt tình dục với nhau. Ham muốn tình dục khiến con người ta dễ dàng ngộ nhận một mối quan hệ là tình yêu. Sự hoà hợp về thể xác rất dễ khiến cho con người ta mong muốn được ở bên nhau và hưởng thụ khoái lạc một cách thường xuyên và dễ dàng.

Tuy nhiên, hôn nhân lại không phải câu chuyện chỉ về tình dục. Việc các bạn hoà hợp gối chăn không phải là tấm vé bảo đảm các bạn sẽ hạnh phúc khi sống dưới cùng 1 mái nhà. Các bạn tưởng tượng việc sống thử là cùng nhau ăn cơm, cùng nhau đánh răng, cùng nhau xem tivi, cùng nhau đùa giỡn, cùng nhau ân ái giống như trong mấy MV ca nhạc ư?
Không, sự thật không phải như thế: sống chung là bạn hì hụi lau nhà rõ sạch rồi người yêu nhởn nhơ đi đôi giày rõ bẩn vào; là một ngày bạn đi họp đến tận 9 giờ tối và trở về nhà với một cái bụng đói meo còn người yêu thì chẳng chuẩn bị cái gì cho bạn ăn cả; là khi bồn cầu tắc cống vì người yêu cứ vứt giấy vào trong mặc dù bạn đã nhắc nhở ngàn lẻ một lần; là những cuộc cãi vã rất ngớ ngẩn nhưng cực kì căng thẳng; là những lúc bạn phát điên chỉ muốn xách vali đi còn người yêu thì bỏ đi nhậu mà chẳng thèm đoái hoài tới sự tức giận của bạn.

Sống thử không phải chỉ có những cuộc làm tình đắm đuối. Hãy chỉ sống thử với nhau khi tình dục không còn là điều đầu tiên và tạo hứng thú nhất trong mối quan hệ của bạn. Hãy sống thử khi các bạn không còn cảm thấy THIẾU THỐN TÌNH DỤC nữa. Tức là trước khi sống thử, các bạn có thể dễ dàng quan hệ tình dục mà không gặp sự cản trở nào khác (ví dụ như nhà xa hoặc vướng bố mẹ/bạn bè ở cùng nhà). Khi bạn đói, bạn ăn gì cũng thấy ngon. Thế nên để biết một món ăn có ngon hay không, phải ăn nó vào lúc bạn no, nếu nó quá ngon thì dù no rồi thì miệng bạn vẫn muốn nếm thử. Bạn hiểu ý mình chứ?

Điều kiện 3: BẠN TRAI CỦA BẠN PHẢI LÀ MẪU NGƯỜI CÓ CÁI NHÌN VĂN MINH VÀ KHÔNG ĐỊNH KIẾN VỀ PHỤ NỮ

Đây là điều kiện quan trọng nhất nếu bạn trai của bạn là người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam.

Tại sao có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên sống thử? Đơn giản là trong mắt người Việt, khái niệm sống thử vẫn bị gắn liền với “tự do tình dục” mặc dù trong thực tế, dù bạn có sống chung hay không thì các bạn vẫn đang rất tự do tình dục. Thậm chí, tần suất quan hệ tình dục của các cặp đôi không sống chung còn thường xuyên hơn các cặp sống chung.

Khi bạn trai bạn là một người có quan điểm truyền thống, bạn thực sự không nên lựa chọn sống thử.
Vậy làm thế nào để nhận biết bạn trai bạn có phải người “đánh giá phụ nữ” hay không? Bởi vì rõ ràng khi yêu bạn, chẳng đời nào anh ấy lại tỏ ra phán xét bạn, mà phải luôn tỏ ra là một người bao dung, văn minh và tôn trọng phụ nữ chứ.
Cách dễ nhất để nhận biết là hãy để ý cách anh ấy nhìn nhận những phụ nữ khác. Ví dụ, có bao giờ anh ấy nhận xét, chê bai phụ nữ không? Chẳng hạn như nhìn cô này béo nhỉ, cô này gầy nhỉ, cô này đen nhỉ, cô này xấu nhỉ. Người cho phép mình phán xét về ngoại hình phụ nữ thì không phải người có BẢN CHẤT tôn trọng phụ nữ. Anh ấy có bao giờ nói chuyện về các cô gái khác với hàm ý phán xét phẩm chất không? Chẳng hạn như “con này cũng mấy đời chồng rồi”; “con này yêu hết thằng này đến thằng khác”; “con này chửa hoang”; “con này như thế mà lấy được trai tân”; “con này cũng nát bét rồi”; “con này là cái loại gái vớ vẩn”,…Một người đàn ông văn minh dù có mua dâm thì cũng không khinh gái bán dâm, họ không có cảm xúc gì cả, chỉ coi đó là một cuộc mua bán chứ không phán xét, không miệt thị.
Rồi thì anh ấy có phản đối nếu người thân (em gái, chị gái) của mình yêu nhiều người, hoặc sống thử với bạn trai của họ không? Những tiêu chuẩn mà đàn ông cho rằng những người phụ nữ trong gia đình họ có thể làm cũng là những thứ họ tin rằng người bạn gái/bạn đời của họ có thể làm.

Để đánh giá một người đàn ông, đừng bao giờ chỉ nhìn vào những thứ anh ta làm cho bạn mà hãy nhìn vào cách anh ta sống giữa cộng đồng. Khi yêu, ai mà chẳng muốn show ra những điều tốt đẹp nhất của mình với đối phương. Bạn cũng thế thôi! Tuy nhiên, hành vi và ứng xử của người đàn ông đối với mọi người xung quanh lại nói lên rất nhiều điều.
Ví dụ như anh ta có hút thuốc trong quán cafe bật điều hoà và bàn bên cạnh có trẻ con và bà bầu không?  anh ta có quát nạt, hách dịch với nhân viên phục vụ bàn không? anh ta có cố nhấn ga đi nhanh mặc dù có một cụ già sắp qua đường không? Sự thật là: tình yêu giúp chúng ta đến được với nhau; nhưng văn hoá mới là thứ giúp chúng ta ở lại được bên nhau lâu dài!

Nếu bạn nhắm thấy bạn trai bạn là tuýp người “phán xét phụ nữ” thì bạn hãy quên luôn và ngay ý định sống thử nhé!

Điều kiện 4: KHÔNG SỐNG THỬ ĐỂ TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Có rất nhiều bạn sinh viên và học sinh sống thử với nhau. Tuy nhiên, lý do chính của họ không hẳn là vì yêu mà là vì tiện. Sống chung, tiền nhà chia đôi; tiền ăn chia đôi, vừa ấm cúng, vừa tiết kiệm. Tuy nhiên, theo quan sát của mình thì hầu hết các cuộc sống chung kiểu sinh viên đều kết thúc một cách lãng xẹt.

Vì sao ư? Vì các bạn lựa chọn sống chung vì 3 mối ràng buộc chính: khoảng cách địa lí (đều xa gia đình), tài chính (đều ít tiền) và sự tiện lợi (đều cô đơn). Một khi mối ràng buộc đó đứt gãy thì mục đích cũng như động lực sống chung của 2 bạn cũng đứt gãy luôn. Ví dụ như khi cả hai cùng học xong và trở về quê/ trở về nước, họ sẽ không còn xa gia đình nữa, không còn cô đơn nơi đất khách quê người nữa, thậm chí còn có những mối quan hệ mới, những sự quan tâm mới, những cơ hội cuộc sống mới, họ cũng có thể kiếm tiền đủ để tự sống một cách độc lập và thoải mái thì cũng là lúc họ không còn cần nhau nữa. Rất nhiều cặp đôi đã chia tay nhau ngay sau khi hoàn cảnh thay đổi.

Nói tóm lại, bạn đến với nhau vì điều gì thì bạn cũng sẽ xa nhau vì điều đó. Nếu bạn ở với nhau vì yêu và quyết tâm mãnh liệt về chuyện kết hôn thì bạn sẽ chỉ xa nhau khi 1 trong 2 hoặc cả 2 không còn mong muốn đó nữa. Còn nếu các bạn ở với nhau chỉ vì tiện thì một khi hết tiện, hoặc một khi có phương án khác có thể thay thế được, các bạn cũng sẽ dễ dàng thay thế nhau!

Lời khuyên của mình là các bạn chỉ nên sống với nhau khi cả hai đều đã có thể chủ động về kinh tế, không còn phụ thuộc gì vào bố mẹ, và nếu như các bạn sống chung hay riêng cũng không có khác biệt gì lớn về tình trạng tài chính của cả hai bên.

Nếu như các bạn thoả mãn cả 4 điều kiện trên thì mình tin rằng SỐNG THỬ LÀ MỘT ĐIỀU NÊN LÀM ( nhớ là phải thoả mãn một cách hoàn hảo 4 điều kiện nha, không lại bảo mình xúi phụ nữ sống buông thả nha).

Tại sao lại nên?
1. Vì trên đời này, để chắc chắn bất cứ thứ gì, chúng ta đều nên thử trước. Mục đích lớn nhất của việc thử chính là để tránh rủi ro. Bạn thử cái áo khi mua là để tránh rủi ro mua về mặc không vừa. Bạn thi thử để tránh rủi ro lúc thi thật bị bỡ ngỡ, bị hoang mang. Bạn nếm thử để tránh mất tiền mua một đống đồ ăn dở. Và bạn sống thử cũng giống như vậy, là để tránh rủi ro bước vào một cuộc hôn nhân quá thảm hoạ, là để sau này không phải ngửa mặt lên trời oán trách số phận cho bạn lấy “nhầm” chồng.
2. Vì việc hẹn hò khác xa việc sống chung. Khi hẹn hò, cho dù là đã yêu nhau bao lâu thì những thứ bạn nhìn thấy ở nhau vẫn tích cực hơn gấp nhiều lần khi sống chung. Khi hẹn hò, bạn gặp nhau khi rảnh rỗi (hay thường gọi là đi chơi), tức là đầu óc bạn thảnh thơi, tâm lý bạn ổn định, bạn mang lại cho đối phương 1 nguồn năng lượng vui tươi, tích cực. Sự tích cực này rất dễ bị lầm tưởng là sự “hợp nhau”. Khi hẹn hò, bạn luôn muốn xuất hiện trước mặt người ấy một cách đẹp đẽ nhất. Kể cả có yêu lâu đến mức đi chơi mặc đồ ngủ hay để mặt mộc thì nó vẫn còn mĩ miều hơn nhiều khi sống chung.
Đừng tưởng tượng việc mỗi sáng thức dậy sẽ mỉm cười long lanh nhìn nhau âu yếm. Sự thật là trông bạn sẽ vô cùng xộc xệch, xấu xí, tóc tai bờm xờm, hơi thở “thúi” hoắc. Các bạn sẽ phải nhìn thấy nhau trong những tình trạng xấu nhất, sẽ ngửi thấy những mùi khó chịu nhất. Khi hẹn hò, nếu ốm đau, các bạn sẽ ở nhà và có bố mẹ chăm sóc; nếu bực bội, các bạn sẽ ở nhà để tự kiềm chế cơ tức giận, nhưng khi ở chung sự mệt mỏi, cáu bẳn, nóng tính sẽ đc thể hiện ra rõ rệt. Chuyện bạn bị sếp mắng rồi về nhà muốn đá thúng đụng nia, chửi thề văng tục là bình thường, bạn có thể nhịn một lần, hai lần chứ chẳng nhịn đc mãi đâu. Rồi bạn sẽ giận cá chém thớt, sẽ cãi nhau vì những chuyện không đâu như một phần của cuộc sống. Việc sống chung chính là bài học giúp bạn thích nghi với nhau, là cơ hội đo lường giới hạn chịu đựng của bản thân trước những mặt xấu nhất của đối phương và tránh rơi vào bi kịch “vỡ mộng” hậu hôn nhân.
3. Vì ba năm đầu hôn nhân là một trong ba giai đoạn dễ xảy ra khủng hoảng dẫn đến li hôn cao nhất của các cặp vợ chồng. Nếu các bạn vượt qua đc 1 khoảng tgian đủ dài sống chung trước hôn nhân mà vẫn vui vẻ, hp, hoà hợp và mong muốn tiếp tục gắn bó thì xác suất có thể chung sống lâu dài là rất cao.

Để kết thúc bài viết, mình chỉ muốn nhấn mạnh vài điều thế này: Sống thử là một việc nên làm khi và chỉ khi nó được hiểu đúng và thực hiện đúng với mục đích và ý nghĩa của nó. Sống thử sai cách (sai cách làm và sai cách hiểu) sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đơn giản là chia tay, mà tệ hơn còn có thể là sự xúc phạm lẫn nhau, khinh thường nhau, bêu rếu nhau, làm nhục nhau… thế nên, khi quyết định sống thử, các bạn phải cực kì sáng suốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *