Thôi Đừng Nói Về Bình Đẳng Giới Nữa, nếu…

Từ hồi bầu bí, tôi chăm mày mò vào các hội bà mẹ bỉm sữa để học hỏi kinh nghiệm. Hôm qua vừa đọc được một cái post của chị kia hỏi có ai biết về dịch vụ xét nghiệm để biết giới tính thai nhi sớm (trước 9 tuần tuổi) vì chị đã có hai con gái, nên nếu như đứa thứ ba là con trai thì chị giữ, còn không thì chị bỏ. Điều đáng nói là trong số các bình luận, rất nhiều người cho rằng điều đó là bình thường và chỉ trích những ý kiến trái chiều rằng “không ở trong vị trí của họ thì không hiểu được đâu”.

Chẳng hiểu sao câu chuyện đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi suốt từ hôm qua đến giờ. Thứ luẩn quẩn không phải là việc phá thai, bởi vì đã có hàng trăm nghìn topic bình luận về chủ đề này suốt bao nhiêu năm qua rồi. Cái tôi nghĩ tới, chính là sự mâu thuẫn trong chính tư duy của chúng ta về khái niệm “bình đẳng giới”.
Từ nhiều năm trở lại đây, người ta (đặc biệt là phụ nữ) nhắc đến nhiều, kêu gọi nhiều, hô hào cũng nhiều về hai chữ “nữ quyền”. Những từ ngữ như “mạnh mẽ”, “độc lập”, “nữ cường” đã trở thành những từ xếp hàng đầu trong từ điển của phụ nữ đương thời. Chúng ta đòi hỏi được tôn trọng, đòi hỏi được đối xử công bằng, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng; thế nhưng đồng thời lại vẫn nhìn về vai trò của người phụ nữ với một con mắt tội nghiệp, đáng thương.
Tôi vẫn còn nhớ ngày trước từng đọc được bài phỏng vấn một người khuyết tật sau khi anh giành được giải thưởng về nghệ thuật. Điều đáng nói là anh tham gia cuộc thi nhưng không một ai biết rằng anh khuyết tật và bức tranh anh tham gia được vẽ bằng chân. Anh nói rằng điều anh tự hào nhất chính là anh đã giành được chiến thắng với tư cách như một người bình thường, chứ không phải người khuyết tật. Hoặc như một người khác tôi cũng rất ngưỡng mộ- đầu bếp Christine Hà – quán quân mùa 3 Master Chef Mỹ. Suốt hành trình cô ấy đi qua, cô chưa từng được đặc cách hay ưu tiên vì là người khiếm thị. Và tôi tin, điều khiến cô tự hào về bản thân nhất đó là cô đã chiến thắng với tư cách của một người bình thường.
Quay lại với câu chuyện về bình đẳng: nếu bạn muốn được đối xử bình đẳng, trước hết hãy tự xem mình là một người bình thường, mình không cần sự ưu ái vì giới tính của mình nhưng cũng không chấp nhận sự thiệt thòi vì nó. Chừng nào bạn còn xem giới tính của mình là một bất lợi, thậm chí là một điều gì đó đáng thương (hại) thì chừng đó, hai chữ “bình đẳng” vẫn chỉ là lý thuyết mà thôi.
Hôm nọ, trong một bài viết tôi viết theo đặt hàng, tôi có đề cập đến biểu hiện của sexist (phân biệt giới tính) trong cuộc sống hàng ngày. Tại sao hầu hết quảng cáo thực phẩm hoặc đồ gia dụng trên tivi đều gắn liền với hình ảnh một bà vợ nấu nướng tất bật, còn nhiệm vụ của chồng là…nếm thức ăn? Tại sao các quảng cáo sản phẩm tẩy rửa, bột giặt luôn lấy hình ảnh bà nội trợ lôi thôi đang vật vã lau chùi, kì cọ? Tại sao đồ chơi cho bé gái luôn bị mặc định là nồi niêu, bếp núc, búp bê, xe đẩy; còn đồ chơi cho bé trai lại là xây dựng, xếp hình, xe cộ?
Nếu như ngay từ khi con cái chúng ta chỉ là một giọt máu nằm trong bụng, chúng ta đã đặt lên chúng một thứ kì vọng vô lí mang tên “giới tính”, chúng ta vui khi con là giới tính này, thất vọng khi con mang giới tính kia. Rồi khi chúng lớn lên một chút, thứ chúng ta tiếp tục dán nhãn rằng con phải thế này vì con là con gái, con phải thế kia vì con là con trai. Và khi chúng lớn hơn nữa nữa, chúng ta lại tiếp tục yêu cầu con lựa chọn những thứ mà rất có thể con không muốn nhưng theo ta là phù hợp với giới tính của con, kiểu như: con gái thì phải học giáo viên cho nó nhẹ nhàng; con trai thì phải học cảnh sát cho nó mạnh mẽ. Vâng, nếu như chúng ta vẫn nhân danh giới tính để quy định mọi thứ trong cuộc đời 1 đứa trẻ thì có lẽ, bình đẳng hay gì gì đó tương tự mãi mãi chỉ là một khẩu hiệu vô nghĩa mà thôi.
Trong những cuộc trò chuyện cà kê dê ngỗng trước khi đi ngủ, vợ chồng tôi vẫn hay cùng thảo luận về việc sau này sẽ chăm sóc con như thế nào. Ngay từ khi tôi chưa mang thai, hai đứa tôi đã từng thống nhất, dù có con trai hay con gái, chúng tôi cũng sẽ mua cho bé cả đồ chơi nấu ăn lẫn đồ chơi xây dựng, để con hiểu được rằng nội trợ không phải là việc chỉ của đàn bà, những việc lớn lao cũng không phải chỉ có đàn ông làm được. Thứ con nên lựa chọn trong cuộc đời chính là thứ khiến cho con hạnh phúc nhất, mãn nguyện nhất; chứ không phải bởi vì giới tính sinh học của con – một thứ mà con chưa bao giờ có quyền lựa chọn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *