Truyền động lực hay truyền áp lực?

Thỉnh thoảng, à không, cũng khá thường xuyên, mình nhận được yêu cầu duyệt những bài viết truyền “động lực” với nội dung kiểu như này:

  • Phụ nữ hơn nhau ở sự mạnh mẽ và độc lập.
  • Điều tốt nhất để yêu bản thân chính là nỗ lực trở nên ưu tú.
  • Phụ nữ hãy sống như trái dứa, bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào.
  • Lúc muốn khóc, nhất định phải nghĩ đến chuyện mascara mình mua rất đắt tiền.
  • ,Phụ nữ không bao giờ được ngừng làm 3 việc: học hành, xinh đẹp, và kiếm tiền.

Vân vân và mây mây, nhiều kinh khủng.

Tất nhiên, hầu như mình không duyệt. Cơ mà nhận được nhiều quá nên thôi, tranh thủ viết một bài nè.

Có một khái niệm mang tên “harmful motivational quotes”, tạm dịch là: những câu trích dẫn truyền động lực độc hại.

Ơ kìa, sao đã truyền động lực mà còn độc hại được? Nghe ngược đời nhỉ, nhưng có đấy. Đầy rẫy là đằng khác.

Trong một thế giới đầy áp lực và cạnh tranh như hiện nay, con người khao khát động lực. Trong cuốn sách mới Think Clean của mình, mình có phân tích một khía cạnh thế này về nỗi khổ của con người trong thế giới hiện đại.

Thực ra, thế hệ ông bà, bố mẹ chúng mình ngày xưa khổ hơn chúng mình rất nhiều về mặt vật chất, họ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu những nhu cầu vật chất tối thiểu. Nhưng cũng chính vì thế, họ có động lực và mục tiêu sống rất rõ ràng: động lực đó chính là sinh tồn.

Mỗi sáng ngủ dậy, họ không cần bất cứ sự cố gắng nào để kéo mình ra khỏi giường. Họ bật dậy, quy củ, đi làm ,vì họ biết rằng đó là cách duy nhất để duy trì sự sống cho bản thân và gia đình. Họ không có lựa chọn khác. Thể chất của họ có thể rất mệt mỏi, tinh thần họ cũng có thể luôn căng thẳng trước nỗi đe doạ sinh tồn. Nhưng họ ít có nguy cơ trải qua những khủng hoảng về bản thân như con người hiện nay.

Chúng ta ngày nay có rất nhiều lựa chọn, mà khi nhiều quá thì ta dễ bị lạc lối, dễ bị hoang mang, dễ gặp lo âu và sợ hãi. Áp lực cuộc sống hiện đại đến từ sự cạnh tranh và những gì thế giới xung quanh định nghĩa và tô vẽ. Chúng ta sợ bị thụt lùi, sợ bị coi thường, sợ thua kém, sợ giá trị của bản thân không được nhìn thấy và công nhận. Khi nỗi sợ càng nhiều, tâm trí ta càng căng thẳng, khi tâm trí ta càng căng thẳng, ta càng có xu hướng trốn chạy và né tránh. Và đó là lí do, ta cần động lực.

Các content truyền động lực ra đời và trở nên phổ biến chính vì lí do đó.

Thế nhưng mà, trong cái biển content dày đặc liên tục “đập” vào mặt bạn mỗi ngày. Có bao giờ bạn ngừng lại và xem xét tính đúng đắn của nó chưa?

Harmful motivational quotes được định nghĩa là những trích dẫn nghe có vẻ truyền động lực nhưng thực tế, nó ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm lý của con người ta về lâu dài.

Vì sao ư? Bởi vì thứ thực ra bạn có được từ những trích dẫn kiểu này không phải là động lực, mà là áp lực.

Có 3 kiểu harmful motivational quotes điển hình, mà bạn cần phải đặc biệt lưu ý để không rơi vào cái bẫy tạo áp lực của nó:

1 là: KHẲNG ĐỊNH TUYỆT ĐỐI

Ví dụ 1: “Điều tốt nhất để yêu bản thân là nỗ lực để trở nên ưu tú”

Ủa, đó là định nghĩa yêu bản thân của bạn. Còn bản thân tôi, tôi yêu nó như thế nào là việc của tôi chứ. Mắc gì bạn lại định nghĩa giùm tôi?

Ví dụ 2: “Ba việc phụ nữ không bao giờ được ngừng làm là: học hành, xinh đẹp, và kiếm tiền” ư? Ủa kệ tôi, khi nào tôi mệt, tôi muốn ngừng thì tôi ngừng có được không? Đó là chưa kể, ưu tiên trong cs của bạn khác ưu tiên trong cs của tôi. Hà cớ gì tôi KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC NGỪNG làm những điều mà bạn cho là quan trọng?

Những cái trích dẫn mà chứa những từ mang tính tuyệt đối như “tốt nhất”, “tệ nhất”, “luôn luôn”, “phải”, “lúc nào cũng”, “chắc chắn”, “không bao giờ”,… là mọi người phải cực kì thận trọng nhé. Đơn giản là vì nó đặt các bạn vào một cái bẫy tâm lý: tất cả những thứ được quy định trong trích dẫn đó là đúng, và nếu bạn có đặc điểm hoặc lựa chọn nào đó nằm ngoài phạm vi cái trích dẫn quy định thì nghĩa là bạn sai, bạn thất bại, bạn thảm hại. Việc này làm tăng cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và huỷ diệt lòng tự tin của bạn.

2 là: SO SÁNH

Ví dụ 1: “Phụ nữ hơn nhau ở sự mạnh mẽ và độc lập”

Ủa mắc gì phụ nữ phải hơn nhau? Ủa mắc gì tôi và (các cô ấy) – những cá thể hoàn toàn khác biệt lại phải đặt lên một bàn cân để so xem ai hơn ai? Rồi sao? Hơn để làm gì? Và nếu không hơn thì nghĩa là tôi thất bại ư? Tôi là đồ bỏ đi ư?

Thông điệp kiểu này đang khuyến khích sự mạnh mẽ và độc lập, hay thực chất làm gia tăng nỗi sợ hãi và hổ thẹn của con người khi đứng trước thực tế là: cũng có lúc tôi yếu đuối, tôi tổn thương, tôi cần được chia sẻ? Từ khi nào những nhu cầu rất con người này lại trở thành biểu hiện của sự thua kém?

Ví dụ 2: “Phụ nữ ngu ngốc chỉ biết giặt giũ, nấu ăn. Phụ nữ thông minh làm giàu và làm đẹp”.

Đùa, nghe ngứa tai thật đấy.

Mình ghét tất cả những cái kiểu so sánh “phụ nữ ngu ngốc” với “phụ nữ thông minh”. Bản thân cái việc dán nhãn này nó cực kì có hại có tâm lý con người. Nó khiến cho tất cả những người đã hoặc đang thực hiện các hành động giống với hệ “ngu ngốc” mà trích dẫn định nghĩa cảm thấy tổn hại lòng tự trọng một cách nghiêm trọng.

Để mình sửa lại cái trích dẫn này nhé “người ngu ngốc sẽ viết ra những trích dẫn kiểu này, còn lại thì đều thông minh, ahihi, lêu lêu”

3 là : ÁP ĐẶT

Ví dụ 1: “Phụ nữ hãy sống như một trái dứa, bên trong ngọt ngào, bên ngoài gai góc”

Tôi thích sống như nhãn, vải, chôm chôm, thanh long, vú sữa đấy, có được không? Mắc gì tôi cứ phải gai góc bên ngoài. Tôi thích mịn màng như mông em bé cơ, có sao không? Tôi sống sao kệ tôi đi, miễn là tôi vui, tôi hài lòng, tôi hạnh phúc là được.

Ví dụ 2: “Lúc muốn khóc phải nhớ rằng mascara đắt tiền”

Mắc tiền hay không kệ tôi đi. Tôi muốn khóc thì để yên cho tôi khóc. Ừ, tôi đau đấy, tôi tổn thương đấy, tôi yếu đuối đấy. Tôi có nhu cầu giải toả nỗi đau, nỗi buồn của tôi. Và tôi muốn khóc. Mắc gì tôi phải nén lại nhu cầu chính đáng của mình chỉ vì nghĩ tới mascara, hay chỉ vì sợ bị đánh giá là kẻ yếu đuối. Dám thừa nhận cảm xúc của mình là yếu đuối? Hay cố gắng kìm nén, che giấu, thậm chí là phủ nhận cảm xúc của mình để không bị đánh giá mới là yếu đuối?

Ôi, combat xong mệt quá. Tự thấy mình thặc đanh đá. hic

Chắc bây giờ mọi người đang thắc mắc: vậy rốt cuộc, đâu là dấu hiệu nhận biết một thông điệp là truyền động lực hay truyền những thứ quần què khác?

Đơn giản thôi: những thông điệp mà nghe xong, bạn cảm thấy có cảm hứng, có sự lạc quan và nảy sinh khao khát thực hiện nó vì mục đích hoàn thiện và phát triển bản thân thì đó là thông điệp truyền động lực.

Còn những thông điệp mà nghe xong bạn khiến bạn cảm thấy xấu hổ, tự ti, thua kém và hoài nghi bản thân có đủ tốt hay không thì đó là thông điệp truyền áp lực. Mặc dù nghe những thông điệp của này cũng thúc đẩy bạn muốn thay đổi, nhưng động cơ lại không đến từ việc khiến bản thân tốt lên, mà là để làm cho bản thân đỡ thua kém, đỡ thất bại. Một cái là tư duy cầu tiến, một cái là tư duy phòng thủ. Hai cái này khác hẳn nhau nha.

Hi vọng, một chút chia sẻ này của mình sẽ giúp ích cho mọi người trong hành trình sống an yên và hạnh phúc. Và đừng quên rằng: chúng ta nỗ lực là để thỏa mãn khát khao tiến bộ, chứ không phải để giải quyết nỗi sợ thua kém.

Giống như một tờ tiền 500.000, dù có bị vò nát, dẫm đạp hay nhúng ướt thì nó vẫn là một tờ tiền có giá trị 500.000. Bạn cũng vậy, bạn luôn giữ nguyên giá trị bất kể ai đó có nói gì hay bất kể nghịch cảnh nào xảy ra trong cuộc đời bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *